Chiều ngày 08/07/2022, tại Trung tâm hội nghị Đông Hồ Eden, TP. Hồ Chí Minh, FSI đã tham gia đồng hành cùng sự kiện “Gặp gỡ – Trao đổi Chuyển đổi số và góc nhìn triển khai bệnh án điện tử”. Chương trình có sự tham gia của tập thể thành viên IT-HCM và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chuyển đổi số, y tế.
Thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế để người dân hưởng lợi nhiều hơn
Mục tiêu ngành y tế đặt ra tới năm 2030 là ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành; hình thành nền y tế thông minh với 3 nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Để thực hiện mục tiêu đó, từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, qua đó, kêu gọi sự hợp lực của toàn xã hội, giúp đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số của ngành y tế nói riêng.
Sự ra đời và phổ biến của Bệnh án điện tử (EMR) là dấu mốc quan trọng của quá trình chuyển đổi số của nền y tế, nhằm hiện thực hóa việc khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Bệnh án điện tử ngày càng trở nên phổ biến bởi sở hữu nhiều ưu việt so với bệnh án giấy, điển hình như: in rõ ràng, không nhầm lẫn y lệnh, việc trích xuất hồ sơ bệnh án, trích xuất thông tin trên hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân, cho các báo cáo, cho nghiên cứu khoa học thuận lợi và chính xác.
Chia sẻ tại sự kiện Thạc Sĩ Nguyễn Vũ Minh Duy cho biết “Việc triển khai Bệnh án điện tử (EMR) song hành với triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác. Qua đó, ngành nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhằm chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng; hoặc dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn”.
Tuy nhiên, hiện nay hiệu quả của công tác chuyển đổi số ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh còn hạn chế. Một số tồn tại, như nguồn tài chính cho ứng dụng CNTT y tế chưa cao, ứng dụng nhiều phần mềm cho công tác y tế nhưng cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ và liên thông với nhau, nguồn nhân lực CNTT y tế còn thiếu.
Chia sẻ những kinh nghiệm triển khai EMR thành công
Tham gia sự kiện “Gặp gỡ – Trao đổi Chuyển đổi số và góc nhìn triển khai bệnh án điện tử” ngày 8/7/2022 tại TP. Hồ Chí Minh, có sự xuất hiện của các học giả và chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực chuyển đổi số và lĩnh vực y tế, trong đó, đáng chú ý Thạc sĩ Nguyễn Vũ Minh Duy và Thạc sĩ Nguyễn Quốc Định, cùng các chuyên gia từ FSI – nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số hàng đầu tại Việt Nam đã có những chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai EMR.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Vũ Minh Duy chia sẻ tại sự kiện:“Nếu như trước đây, khi chưa có bệnh án điện tử, hàng ngày các bác sĩ, điều dưỡng mất khá nhiều thời gian để ghi chép thông tin, phiếu xét nghiệm, chụp CT vào hồ sơ bệnh án giấy, chưa kể còn phải chạy đi chạy lại giữa các khoa và phòng lãnh đạo để trình ký các giấy tờ liên quan, thì nay nhờ có bệnh án điện tử, công việc bác sĩ, y tá cũng giảm bớt, tiết kiệm thời gian, hiệu suất công việc được nâng cao, mọi công đoạn trên đều được xử lý trên hệ thống phần mềm bệnh án điện tử.”
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ số toàn diện (AI, Big Data, ký số, IoMT, điện toán đám mây…), xây dựng bệnh viện điện tử, không giấy tờ, y tế từ xa, buộc trách nhiệm của các bên liên quan phải đảm bảo tính xác thực của các giao dịch. Nhưng điều này cũng khiến phát sinh bài toán mới: Làm thế nào để những tài liệu nhạy cảm như hồ sơ, bệnh án điện tử, hợp đồng điện tử, bảo hiểm y tế điện tử tránh được những rủi ro về pháp lý và nguy cơ mất giá trị bằng chứng, chứng cứ?
Chia sẻ về vấn đề trên, Thạc Sĩ Nguyễn Quốc Định cho biết “Việc triển khai chữ ký điện tử, chữ ký số dùng để ký các văn bản điện tử có vai trò quan trọng trong việc xây dựng bệnh án điện tử, xây dựng kho hồ sơ số của ngành y tế”.
Tăng tốc chuyển đổi số ngành y tế với giải pháp số hóa hồ sơ bệnh án từ FSI
Đồng hành cùng sự kiện, FSI – nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số hàng đầu tại Việt Nam – đã chia sẻ giải pháp số hóa tài liệu tối ưu (số hóa hồ sơ bệnh án) cho ngành y tế, cùng những kinh nghiệm và góc nhìn triển khai Bệnh án điện tử, với mong muốn đem tới nhiều lợi ích cho cả bệnh nhân, bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh viện.
Ưu điểm của giải pháp số hóa từ FSI là cung cấp một hệ sinh thái toàn diện gồm: Các thiết bị số hóa; Dịch vụ số hóa chuyên nghiệp; Phần mềm quản lý khai thác; Công nghệ tiên tiến được ứng dụng như công nghệ Machine Learning, AI, Deep Learning, giúp tăng tính chính xác và tiết kiệm thời gian triển khai. Bên cạnh đó, các giải pháp của FSI đều đáp ứng tiêu chuẩn an ninh thông tin ISO/IEC 27001:2013 và quản lý chất lượng ISO 9001:2015.
Ông Bùi Ngọc Bình – Giám đốc Chi Nhánh HCM Công ty FSI cho biết ”Các bệnh viện cần tiến hành chuyển đổi số đồng bộ và kết nối phần mềm với nhau và với Bộ Y tế, cơ quan bảo hiểm y tế. Sở hữu hệ sinh thái giải pháp số hóa đa dạng, và hơn 15 năm kinh nghiệm triển khai các dự án tư vấn và chuyển đổi số cho các cơ quan Bộ, ban, ngành, FSI cam kết sẽ đồng hành cùng ngành Y tế xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh nhằm mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bệnh nhân”
Tiếp nối những thành tựu đã đạt được, FSI nỗ lực không ngừng nghỉ trên hành trình cung cấp các giải pháp – sản phẩm – dịch vụ công nghệ số uy tín, chất lượng, “make in Vietnam”. Đối với ngành y tế nói riêng, FSI đẩy mạnh việc tích hợp và ứng dụng công nghệ mạnh mẽ trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ, giúp người dân tiếp cận dễ dàng các thông tin; được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời. Đối với đa ngành và toàn xã hội, FSI cam kết giúp các tổ chức, doanh nghiệp tăng trưởng thông qua các giải pháp chuyển đổi số phù hợp và hiệu quả, qua đó, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.